Một người biệt tích 2 năm liền thì phải làm sao? Có nhất thiết phải yêu cầu tuyên bố mất tích hay không? Thủ tục thực hiện như thế nào? Đây là những câu hỏi mà rất nhiều người đang thắc mắc. Vì vậy, Luật Vạn Phúc xin giới thiệu đến quý khách hàng thủ tục tuyên bố mất tích qua bài viết dưới đây để có thể tháo gỡ những vướng mắc của quý bạn đọc.

Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật Dân sự 2015;
  • Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
  • Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.

tuyên bố mất tich

Tuyên bố mất tích là gì? ý nghĩa của việc tuyên bố cá nhân mất tích

Tuyên bố mất tích là quyết định của Tòa án theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng biệt tích 02 năm liền trở lên, không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết.

Việc tuyên bố cá nhân mất tích sẽ chấm dứt tạm thời tư cách chủ thể, quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của người đó.

Quy định về tuyên bố mất tích

Điều kiện tuyên bố một người mất tích

Theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Bộ Luật dân sự 2015, điều kiện để Tòa án tuyên bố mất tích là:

+ Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu của người có quyền, lợi ích liên quan, tòa án có thể tuyên bố người đó đã mất tích.

+ Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng của người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

Như vậy, một trong những điều kiện cần để tuyên bố mất tích đối với một người là đã thông báo tìm kiếm đối với người này trước đó và thời gian biệt tích phải kéo dài liên tục ít nhất 2 năm. Đồng thời, điều kiện đủ để tình trạng mất tích được ghi nhận là có người yêu cầu Tòa án ra tuyên bố mất tích và tòa án ra quyết định tuyên bố mất tích theo đúng các quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Hậu quả pháp lý khi tuyên bố một người mất tích

+ Tư cách chủ thể: Khi Tòa án tuyên bố một người mất tích thì tạm thời tư cách chủ thể của người đó bị dừng lại đến khi người đó trở về thì tư cách chủ thể được phục hồi.

+ Về quan hệ nhân thân: Các quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố mất tích cũng tạm dừng. Vì người tuyên bố bị mất tích vẫn có thể suy đoán còn sống nhưng do thời gian biệt tích kéo dài quá lâu nên suy đoán này đã yếu đi. Chính vì người bị tuyên bố mất tích không chắc còn sống mà nếu người này có vợ, chồng và vợ, chồng có đơn xin ly hôn thì Tòa án sẽ cho ly hôn mà không cần xem xét các yếu tố khác của vụ việc.

+ Về quan hệ tài sản:

Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú thì tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú.

Trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.

Người có quyền yêu cầu tuyên bố mất tích

Chủ thể có quyền yêu cầu tuyên bố một người mất tích đó là người có quyền, lợi ích liên quan. Có thể hiểu, đây là những người có mối liên hệ trong quan hệ hôn nhân gia đình, quan hệ hành chính, quan hệ lao động, quan hệ dân sự hoặc các quan hệ khác mà quyền lợi của họ bị ảnh hưởng do sự vắng mặt của chủ thể.

Hồ sơ tuyên bố người mất tích

Hồ sơ tuyên bố người mất tích bao gồm các giấy tờ sau:

+ Đơn yêu cầu tuyên bố mất tích (theo mẫu);

+ Tài liệu chứng minh người đã biệt tích 02 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết;

+ Tài liệu, chứng cứ chứng minh đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm mà vẫn không có tin tức;

+ Bản sao quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú (nếu có).

thu-tuc-tuyen-bo-nguoi-mat-tich

Đơn yêu cầu tuyên bố mất tích

Quý khách hàng có thể tải mẫu đơn tuyên bố mất tích tại đây.

  • Người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật dân sự.
  • Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích 02 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết và chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm; trường hợp trước đó đã có quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có bản sao quyết định đó.

Quy trình tuyên bố mất tích

Chuẩn bị và nộp hồ sơ hợp lệ tại cơ quan có thẩm quyền

Quý khách hàng cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ như đã đề cập ở mục 3.4 bài viết này để nộp tại cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tuyên bố mất tích đối với một người.

Thông báo tìm kiếm người mất tích

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích. Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 04 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo tìm kiếm lần đầu tiên.

Trong thời hạn thông báo, nếu người bị yêu cầu tuyên bố mất tích trở về và yêu cầu Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn 4 tháng thông báo thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu tuyên bố mất tích.

Ra quyết định tuyên bố người mất tích

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo theo quy định thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu tuyên bố mất tích thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất tích; trường hợp có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích đó và được chấp nhận thì trong quyết định tuyên bố một người mất tích, Tòa án còn phải quyết định áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người đó theo quy định của Bộ luật dân sự.

Thời gian tuyên bố mất tích

Thời gian tuyên bố một người mất tích trong vòng 05 tháng được thực hiện như sau:

+ Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích.

+ Nội dung thông báo và việc công bố thông báo được thực hiện theo quy định pháp luật. Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 04 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên.

+ Trong thời hạn thông báo, nếu người bị yêu cầu tuyên bố mất tích trở về và yêu cầu Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích.

+ Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

Chi phí tuyên bố một người mất tích

Lệ phí sơ thẩm giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích là 300.000 đồng.

Thẩm quyền tuyên bố mất tích

Thẩm quyền tuyên bố một người mất tích thuộc Tòa án nhân dân huyện nơi người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm vắng mặt tại nơi cư trú, bị yêu cầu tuyên bố mất tích có nơi cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết.

Câu hỏi về tuyên bố mất tích

Người bị tuyên bố mất tích trở về thì xử lý như thế nào?

Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích.

  • Người tuyên bố mất tích trở về sẽ nhận lại tài sản của mình do người quản lý chuyển giao sau khi thanh toán chi phí quản lý.
  • Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích đã được ly hôn cho dù người bị tuyên bố mất tích trở về thì quyết định ly hôn vẫn sẽ còn hiệu lực.

Tuyên bố mất tích chắc chắn không bao giờ được coi là đã chết. Vì vậy, cuộc hôn nhân của người này chưa chấm dứt thì vẫn tiếp tục được duy trì. Giả sử vợ chồng của người bị tuyên bố mất tích chung sống như vợ, chồng với người khác thì sau khi người tuyên bố mất tích trở về, những người này sẽ bị coi có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng nếu còn tiếp tục duy trì quan hệ sống chung đó.

Có thể tuyên bố mất tích đối với người đang bị truy nã hay không?

Đối với trường hợp, người đang bị truy nã biệt tích tại địa phương cư trú trên 2 năm có được yêu cầu tuyên bố mất tích không là câu hỏi của rất nhiều người vì pháp luật chưa hiện này chưa quy định, điều chỉnh giải quyết trường hợp này.

Có thể thấy, điều kiện cần để tuyên bố mất tích đối với một người là đã thông báo tìm kiếm đối với người này trước đó và thời gian biệt tích phải kéo dài liên tục ít nhất 2 năm. Đồng thời, điều kiện đủ để tình trạng mất tích được ghi nhận là có người yêu cầu Tòa án ra tuyên bố mất tích và được tòa án ra quyết định tuyên bố mất tích theo đúng các quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Như vậy, đối với trường hợp người đang bị truy nã đã được ra thông báo tìm kiếm và biệt tích trên 2 năm chỉ là điều kiện cần để tuyên bố một người mất tích. Còn phía Tòa án sẽ không công nhận người đang bị truy nã là mất tích vì nó sẽ có những ảnh hưởng hệ lụy về sau như: việc thi hành án có thể bị mất hiệu lực, quan hệ hôn nhân gia đình. Chính vì vậy, theo chúng tôi người đang bị truy nã không được tuyên bố mất tích để không phát sinh các rủi ro pháp lý sau này.

Tài sản của người bị tuyên bố mất tích xử lý như thế nào?

Về tài sản, chế độ tài sản của người vắng mặt được áp dụng cho người bị tuyên bố mất tích. Trong trường hợp, vợ, chồng của người bị tuyên bố mất tích được ly hôn thì tài sản của người bị tuyên bố mất tích mà người này đang quản lý sẽ được giao cho con đã thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích của người mất tích quản lý thì Tòa án chỉ định người quản lý tài sản.

Tuyên bố mất tích để ly hôn có được không?

Trường hợp người bị tuyên bố mất tích không chắc còn sống mà người này có vợ, chồng và vợ, chồng có đơn ly hôn thì Tòa án cho ly hôn mà không cần xem xét đến các yếu tố khác của vụ việc.

Trên đây là toàn bộ thủ tục tuyên bố mất tích mà chúng tôi muốn chia sẻ đến quý bạn đọc. Cá nhân đang có nhu cầu tìm kiếm luật sư hay chuyên viên pháp lý để tư vấn về thủ tục tuyên bố mất tích, việc lựa chọn Luật Vạn Phúc sẽ là một trong những giải pháp hoàn hảo nhất nhằm bảo vệ quyền và lợi ích khách hàng, đảm bảo uy tín, bí mật và tránh những hậu quả pháp lý không đáng có.

Đọc thêm:

Dịch vụ làm hồ sơ, thủ tục tuyên bố mất tích uy tín giá rẻ

Hướng dẫn quy trình, thủ tục tuyên bố một người đã chết

0932350835