Trong quá trình tư vấn cho các cặp đôi kết hôn có yếu tố nước ngoài, chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp muốn kết hôn với người Nhật, nhưng không biết kết hôn với người Nhật cần thủ tục gì? Qua này viết này, Vạn Phúc Luật xin giới thiệu đến quý bạn đọc thủ tục kết hôn với người Nhật mới nhất hiện nay.

Cơ sở pháp lý

  • Luật hôn nhân và gia đình 2014;
  • Luật hộ tịch 2014;
  • Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 hướng dẫn Luật hộ tịch;
  • Thông tư 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch;
  • Thông tư 04/2020/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch.

Điều kiện đăng ký kết hôn với người Nhật

Theo quy định tại Điều 126 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài (trong trường hợp này là công dân Nhật Bản), thì mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn. Nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam, thì công dân Nhật Bản ngoài phải tuân theo pháp luật Nhật Bản và còn phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn.

Tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về điều kiện kết hôn như sau:

  • Về độ tuổi kết hôn: nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
  • Kết hôn dựa trên sự tự nguyện của hai bên;
  • Không có bên nào bị mất năng lực hành vi dân sự;
  • Hai bên không thuộc trường hợp cấm kết hôn theo pháp luật Việt Nam (kết hôn giả tạo, tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, kết hôn nhằm mục đích mua bán người,…) cũng như kết hôn giữa người đồng giới sẽ không được thực hiện kết hôn theo pháp luật Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục kết hôn với người Nhật

Khi đăng ký kết hôn với người Nhật Bản, có thể lựa chọn kết hôn tại một trong hai cơ quan sau:

  • Kết hôn với người Nhật tại Việt Nam (cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại Việt Nam).
  • Kết hôn với người Nhật tại Nhật (cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản tại Nhật Bản).

Đăng ký kết hôn với người Nhật tại Việt Nam sẽ phù hợp trong trường hợp cả hai đang cùng cư trú tại Việt Nam hoặc người Nhật có thể thu xếp thời gian, công việc sang Việt Nam để đăng ký kết hôn.

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn thủ tục kết hôn với người Nhật tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại Việt Nam.

Hồ sơ cần chuẩn bị để làm thủ tục kết hôn với người Nhật tại Việt Nam

Đối với công dân Việt Nam:

  • Tờ khai đăng ký kết hôn với người nước ngoài (theo mẫu quy định);
  • Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân xin cấp tại UBND xã/ phường nơi bạn cư trú;
  • Hộ khẩu (bản sao y chứng thực);
  • CMND/CCCD Hộ chiếu (bản sao y chứng thực);
  • Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
  • Nếu đã từng ly hôn thì nộp thêm Bản án/ Quyết định công nhận ly hôn do cơ quan có thẩm quyền cấp;
  • Nếu đã có vợ/ chồng đã chết, thì nộp thêm Giấy chứng tử.
  • Ngoài các giấy tờ quy định trên, đối với công dân Việt Nam đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang hoặc đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật Nhà nước thì phải nộp giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý ngành cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh, xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật Nhà nước hoặc không trái với quy định của ngành đó.
  • Ảnh 4×6, nền trắng áo tối màu.

Đối với công dân Nhật Bản:

  • Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu quy định);
  • Phiếu công dân (đã được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch thuật công chứng sang tiếng Việt);
  • Giấy chứng nhận đủ điều kiện kết hôn (đã được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch thuật công chứng sang tiếng Việt);
  • Hộ chiếu/thẻ cư trú (sao y chứng thực);
  • Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
  • Nếu đã từng ly hôn thì nộp thêm Bản án/ Quyết định công nhận ly hôn do cơ quan có thẩm quyền cấp;
  • Nếu đã có vợ/ chồng đã chết, thì nộp thêm Giấy chứng tử.
  • Ảnh 4×6, nền trắng áo tối màu.

Trình tự thủ tục đăng ký kết hôn với người Nhật tại Việt Nam

Hướng dẫn thủ tục đăng ký kết hôn với người Nhật Bản

Chuẩn bị hồ sơ kết hôn với người Nhật

Công dân Việt Nam và công dân Nhật Bản chuẩn bị 01 bộ hồ sơ kết hôn với người Nhật bao gồm các loại giấy tờ có trong mục 4 nêu trên để thực hiện thủ tục kết hôn với người Nhật.

Nộp hồ sơ

Phòng Tư Pháp thuộc UBND cấp quận, huyện.

Giải quyết hồ sơ

  •  Trong thời hạn 10 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tư pháp sẽ nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ, điều kiện kết hôn của cả hai bên nam nữ và xác minh tính xác thực của hồ sơ nếu cần thiết.
  •  Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.

Nhận giấy đăng ký kết hôn

Thời hạn: 03 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn, Phòng Tư pháp trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

Trường hợp hai bên nam, nữ không thể có mặt tại Ủy ban nhân dân để nhận giấy này thì có thể làm đơn gia hạn thời hạn nhận giấy đăng ký kết hôn.

Nếu quá thời hạn 60 ngày mà không có mặt nhận giấy đăng ký kết hôn thì hai bên sẽ phải thực hiện lại thủ tục kết hôn với người nước ngoài nếu vẫn muốn xác lập quan hệ hôn nhân.

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục kết hôn với người Nhật

UBND cấp quận, huyện nơi một trong hai bên cư trú

Thời gian thực hiện thủ tục kết hôn với người Nhật

13 – 15  ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký kết hôn hợp lệ.

Chi phí nộp cơ quan nhà nước.

  • Lệ phí thủ tục kết hôn với người Nhật là không quá 1.500.000 đồng.
  • Phí khám sức khỏe tại cơ quan khám sức khỏe có thẩm quyền;
  • Phí dịch thuật, công chứng, hợp pháp hóa lãnh sự tài liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.

 

Trình tự làm visa kết hôn với người Nhật

Thông báo kết hôn tới Nhật Bản

Sau khi đăng ký kết hôn tại Việt Nam, bạn sẽ nộp đăng ký kết hôn (khai báo) đến Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam hoặc văn phòng hành chính tại quận huyện tại Nhật Bản.

* Những giấy tờ cần chuẩn bị đối với người Nhật:

  • Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (giấy chứng nhận kết hôn) và bản dịch tiếng Nhật
  • Các tài liệu xác minh danh tính (bằng lái xe hoặc hộ chiếu, v.v.)
  • Bản sao đăng ký nơi cư trú (trường hợp đăng ký kết hôn ở nơi khác ngoài nơi đăng ký)

* Những tài liệu cần chuẩn bị đối với người Việt Nam:

Giấy khai sinh bản dịch sang tiếng Nhật

Hướng dẫn thủ tục đăng ký kết hôn với người Nhật Bản

Hồ sơ xin visa kết hôn với người Nhật

  • Đơn xin visa
  • Ảnh thẻ (4cm×3cm) của hai vợ chồng
  • Giấy chứng nhận kết hôn
  • Giấy chứng nhận thuế cư trú và giấy chứng nhận nộp thuế cư trú (của chồng hoặc vợ mà người Nhật)
  • Bản sao đăng ký hộ khẩu gia đình, giấy đăng kí cư trú (của vợ/chồng người Nhật)
  • Hộ chiếu và thẻ cư trú của hai vợ chồng
  • Giấy chứng nhận bảo lãnh
  • Bảng câu hỏi theo mẫu của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
  • Bức ảnh chung của hai người (càng nhiều càng tốt).

Thời gian xét duyệt

Khoảng 2 tháng (tùy theo cá nhân)

Lưu ý: Bạn có vợ hoặc chồng là người Nhật đã có thời gian kết hôn là 3 năm trở lên và có hơn 1 năm sinh sống tại Nhật Bản sẽ đủ điều kiện xin cấp thẻ xanh định cư tại Nhật Bản lâu dài.

Trên đây là toàn bộ ý kiến pháp lý của chúng tôi liên quan đến thủ tục kết hôn với người Nhật, hi vọng rằng ý kiến trên sẽ giúp làm sáng tỏ vấn đề mà bạn thắc mắc. Thủ tục kết hôn với người Nhật là một trong những thủ tục pháp lý tương đối phức tạp liên quan đến nhiều loại tài liệu, phải thực hiện tại nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tài liệu có tiếng Nhật phải hợp pháp hóa lãnh sự, công chứng, dịch thuật sang tiếng Việt mới có thể sử dụng tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Đọc thêm:

Dịch vụ đăng ký kết hôn với người Nhật Bản

5 kinh nghiệm Vàng, đăng ký kết hôn với người nước ngoài

0932350835