Hiến pháp đã ghi nhận về quyền con người bao gồm: quyền về kinh tế, quyền về chính trị, quyền về dân sự,… Một trong những bộ phận quan trọng của quyền dân sự đã được cụ thể hóa tại Bộ luật Dân sự (BLDS) đó là quyền nhân thân của cá nhân, trong đó có quyền cá nhân đối với hình ảnh. Theo đó, quyền của cá nhân đối với hình ảnh là gì? Khi sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác có cần phải xin phép không? Trường hợp nào thì sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác phải trả thù lao? Nếu ảnh cá nhân bị đưa lên mạng thì xử lí như thế nào? Qua bài viết dưới đây, Luật Vạn Phúc sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ các vấn đề pháp lý về quyền của cá nhân đối với hình ảnh.
Nêu thực trạng bị xâm phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh trong thời kỳ công nghệ số như hiện nay
Có thể nói, do thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, các đối tượng đã sử dụng công nghệ một cách tinh vi để đăng tải các hình ảnh, thông tin cá nhân trên không gian mạng một cách nhanh chóng bất chấp có sự đồng ý của cá nhân sở hữu hình ảnh đó hay không. Thực tế, không ít quảng cáo đang lan truyền trên mạng đã khai thác trái phép hình ảnh, thông tin của người nổi tiếng nhằm phục vụ mục đích lợi nhuận, nhưng chưa bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân cơ bản là do việc đăng tải thông tin trên mạng xã hội vẫn đang thiếu sự kiểm soát chặt chẽ từ phía người đăng tải nội dung và nhà cung cấp dịch vụ, nên đã tạo kẽ hở để một số tổ chức, cá nhân lợi dụng, trục lợi. Trong các sự việc như vậy, người thiệt hại đầu tiên chính là người bị sử dụng trái phép thông tin, hình ảnh do phần nhiều đều không hề hay biết về việc làm phi pháp của một số tổ chức, cá nhân lợi dụng danh tiếng của họ để kinh doanh, quảng cáo bất hợp pháp, thậm chí lừa đảo. Bên cạnh đó, họ còn vô tình phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm được chào mời, rao bán do thông tin, hình ảnh về bản thân xuất hiện trong nội dung giới thiệu sản phẩm khiến nhiều người tiêu dùng tin nghe theo quảng cáo, vội vàng mua sản phẩm để sử dụng. Hậu quả là người tiêu dùng tiền mất, tật mang, niềm tin bị suy giảm. Gần đây, không chỉ người nổi tiếng mà bất kỳ người dân bình thường nào cũng có thể trở thành đối tượng để một số tổ chức, cá nhân lợi dụng, khai thác trái phép thông tin cá nhân dưới nhiều chiêu thức tinh vi, khó lường cho các mục đích không trong sáng. Cụ thể, là nhiều trường hợp cá nhân vô tình bị lộ ảnh nóng, trở thành các nạn nhân bị đe dọa tung ảnh nóng vẫn đang ngày một diễn biến nhiều hơn và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Hơn nữa, cộng với tâm lý sợ bị phát tán ảnh nóng, sợ bị trả thù của một số bộ phận các nạn nhân nên họ đã không dám thông báo với cơ quan chức năng để truy vết và xử lý người phạm tội, do đó, vô hình chung đã tiếp tay cho những hành vi trái pháp luật và đạo đức xã hội kể trên có cơ hội tiếp diễn. Còn đối với các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này, thì hiện nay việc phát tán hình ảnh, thông tin cá nhân nhạy cảm đều có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Cơ sở pháp lý
- Bộ luật dân sự 2015;
- Bộ luật hình sự 2015;
- Luật Quảng cáo 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018;
- Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử;
- Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản;
- Nghị định số 14/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản;
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là gì?
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân đã được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, theo đó cá nhân được phép sử dụng hình ảnh và cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh nằm trong nhóm quyền nhân thân cá biệt hóa cá nhân bởi thông qua hình ảnh của một cá nhân mà phân biệt được sự khác nhau giữa cá nhân này và cá nhân khác.
Quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình
Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật dân sự 2015: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.” Cá nhân là người có quyền đối với hình ảnh của mình, quyền sử dụng hình ảnh cá nhân bao gồm các quyền như:
- Quyền được trực tiếp sử dụng hình ảnh, quảng bá hình ảnh của bản thân, được đăng tải, công khai hình ảnh với các mục đích hợp pháp của cá nhân…
- Hoặc được quyền cho phép hoặc không cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình.
Quyền đối với hình ảnh là quyền nhân thân của cá nhân; cá nhân hoàn toàn được phép định đoạt những gì mình muốn với hình ảnh của mình, không một ai được quyền ngăn cản hay được phép xâm phạm. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội. Quyền này được Hiến định thể hiện thông qua các quyền được tôn trọng, quyền được sử dụng, quyền được bảo vệ khi bị xâm phạm: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.
Trường hợp nào phải trả thù lao khi sử dụng hình ảnh của người khác
Hiện nay, việc sử dụng hình ảnh cá nhân của người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm hàng hóa; quảng cáo dịch vụ, … hoặc gắn hình ảnh với bất kỳ hành vi phát sinh lợi nhuận một cách hợp pháp nào khác đang diễn ra ngày càng phổ biến. Đối với những trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân nhằm mục đích thương mại như trên thì người sử dụng hình ảnh có nghĩa vụ trả thù lao cho cá nhân có hình ảnh. Mức thù lao phụ thuộc vào thỏa thuận giữa bên sử dụng và cá nhân có hình ảnh. Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật dân sự 2015 thì: “Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.” Có thể hiểu rằng, “mục đích thương mại” là hành vi nhằm vào phát sinh lợi nhuận về kinh tế hoặc lợi ích khác. Như vậy, khi sử dụng hình ảnh của người khác thì phải được người đó đồng ý và nếu sử dụng hình ảnh đó nhằm phát sinh lợi nhuận, thực hiện các hành vi như quảng cáo sản phẩm, dịch vụ thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh.
Trường hợp nào sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác không phải xin phép
Theo quy định của pháp luật, việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được sự đồng ý của người đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì một chủ thể được quyền sử dụng hình ảnh của cá nhân mà không cần sự đồng ý của người có hình ảnh. Cụ thể theo khoản 2 Điều 32 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.”
- Pháp luật dân sự nói riêng cũng như những ngành luật khác nói chung đều luôn luôn đặt lợi ích của quốc gia và cộng đồng lên ưu tiên hàng đầu. Do đó, nếu việc sử dụng hình ảnh cá nhân nhằm hướng tới những lợi ích này thì không cần thiết phải có sự đồng ý của người có hình ảnh.
- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm: Hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân có hình ảnh. Việc sử dụng hình ảnh trong các trường hợp này thường mang tính chất đưa tin về các hoạt động công cộng nói chung. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân trong cả trường hợp được sự đồng ý hay không được sự đồng ý của người có hình ảnh thì đều không được phép xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân. Còn với những trường hợp sử dụng các hình ảnh này có hậu quả làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân có hình ảnh thì là hành vi không được phép.
Xâm phạm quyền riêng tư hình ảnh cá nhân bị phạt như thế nào?
* Xử phạt vi phạm hành chính xâm phạm quyền riêng tư hình ảnh cá nhân:
- Việc đưa hình ảnh người khác lên mạng xã hội mà xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ủy tín của người này thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính như sau: “Điều 64: Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; đ) Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác;…”
- Sử dụng hình ảnh của người khác nhằm mục đích thương mại mà không được người đó đồng ý thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP: “Điều 51. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định; b) Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.”
* Truy cứu trách nhiệm hình sự khi xâm phạm quyền riêng tư hình ảnh cá nhân: Nếu sử dụng hình ảnh của người khác mà gây hậu quả nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật hình sự.
Khi cá nhân bị xâm phạm bản quyền hình ảnh cá nhân thì nên làm gì?
Theo khoản 3 Điều 32 Bộ luật dân sự 2015: “Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.” Vì vậy, khi quyền của cá nhân đối với hình ảnh bị xâm phạm, cá nhân có quyền bảo vệ quyền nhân thân này của mình thông qua các phương thức:
- Thứ nhất, yêu cầu Tòa án ra quyết định liên quan bao gồm buộc chủ thể vi phạm hoặc liên quan phải: thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh; bồi thường thiệt hại (nếu có);
- Thứ hai, áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, việc xâm phạm đến hình ảnh cá nhân thường kéo theo sự vi phạm đến các quyền nhân thân khác của cá nhân như quyền riêng tư, quyền bí mật đời tư và xâm phạm đến quyền của cá nhân được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín… thì cá nhân bị xâm phạm được quyền yêu cầu người xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại Điều 592 Bộ luật dân sự 2015.
Một số lưu ý về quyền của cá nhân đối với hình ảnh
- Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân gắn với từng cá nhân đó;
- Mỗi cá nhân đều có quyền cho phép hay cho hay không cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình trừ trường hợp theo quy định của pháp luật. Nếu chưa được sự đồng ý mà đã sử dụng đã là vi phạm quyền đối với hình ảnh của cá nhân;
- Khi bị xâm phạm về quyền cá nhân đối với hình ảnh, cá nhân đó có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Nêu một số câu hỏi thường gặp về quyền đối với hình ảnh của cá nhân
Ai có quyền hình ảnh cá nhân?
Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Nếu tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân, người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Đưa hình ảnh người khác lên mạng có bị phạt không?
– Việc sử dụng hình ảnh của người lạ đăng lên các trang mạng xã hội mà xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP mức xử phạt hành chính như sau: “Điều 64: Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- a) Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
đ) Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác;…”
Sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác có cần xin phép không?
Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình được quy định theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, theo đó việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó và việc sử dụng hình ảnh của người khác vào mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Hiện nay, với phát sự phát triển của công nghệ số, tình trạng hình ảnh của người dân bị lợi dụng, khai thác trái phép để quảng cáo sản phẩm dưới nhiều hình thức tinh vi, khó lường đã gây nên nhiều bức xúc trong dư luận. Vì vậy, việc nắm rõ các quyền của mình đối với hình ảnh, các cách xử lý khi hình ảnh của mình bị xâm hại sẽ giúp các bạn bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hi vọng, qua bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ được những quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Trong quá trình tìm hiểu có bất kỳ vướng mắc gì hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư bảo vệ hình ảnh cá nhân bị xâm phạm, bị bôi nhọ, hãy liên hệ với chúng tôi: CÔNG TY TNHH TƯ VẤN VẠN PHÚC LUẬT – Đảm bảo tối ưu quyền lợi của khách hàng.
Đọc thêm: