Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, sau khi đã xây dựng xong công trình xây dựng và đã thực hiện xong việc thi công có nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng, chủ đầu tư phải tiến hành thủ tục hoàn công công trình xây dựng, đây là một thủ tục hành chính vô cùng quan trọng. Vậy hoàn công công trình xây dựng là gì? Thủ tục hoàn công công trình xây dựng được quy định như thế nào? Trong khuôn khổ bài viết dưới đây, Vạn Phúc Luật sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về các quy định hoàn công công trình xây dựng.
Cơ sở pháp lý
- Luật xây dựng 2014;
- Luật Xây dựng sửa đổi 2020;
- Nghị định 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng;
- Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
- Thông tư 10/2021/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 06/2021/NĐ-CP và Nghị định 44/2016/NĐ-CP do Bộ Xây dựng ban hành;
- Thông tư 06/2021/TT-BXD quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.
Hoàn công công trình xây dựng là gì?
Hoàn công công trình xây dựng theo quy định của pháp luật là một thủ tục hành chính trong hoạt động xây dựng công trình, nhằm xác nhận sự kiện các bên đầu tư, thi công đã hoàn thành công trình xây dựng sau khi được cấp giấy phép xây dựng và đã thực hiện xong việc thi công có nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng. Hầu hết các công trình sau khi thi công xong cần phải làm thủ tục hoàn công và xin giấy phép hoàn công.
Theo khoản 5 Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, hồ sơ hoàn công công trình xây dựng hay hồ sơ hoàn thành công trình là tập hợp các hồ sơ, tài liệu có liên quan tới quá trình đầu tư xây dựng công trình cần được lưu lại khi đưa công trình vào sử dụng.
Quy định hoàn công công trình xây dựng
Hồ sơ hoàn công công trình xây dựng gồm những gì?
Điều 26 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định chủ đầu tư có trách nhiệm lập hồ sơ hoàn công công trình xây dựng theo quy định tại Phụ lục VIb Nghị định này, theo đó gồm danh mục hồ sơ hoàn công công trình xây dựng theo từng giai đoạn như:
- Hồ sơ chuẩn bị đầu tư xây dựng và hợp đồng;
- Hồ sơ khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình;
- Hồ sơ quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình.
Mẫu hồ sơ hoàn công công trình xây dựng
Danh mục hồ sơ hoàn công công trình xây dựng được quy định tại Phụ lục VIB ban hành kèm theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, bao gồm:
*Hồ sơ chuẩn bị đầu tư xây dựng và hợp đồng:
- Quyết định chủ trương đầu tư xây dựng (nếu có).
- Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình
- Nhiệm vụ thiết kế, các văn bản thẩm định, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan trong việc thẩm định dự án đầu tư xây dựng và thiết kế cơ sở.
- Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền hoặc hợp đồng thuê đất đối với trường hợp không được cấp đất.
- Giấy phép xây dựng, trừ những trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
- Quyết định chỉ định thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn các nhà thầu và hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư với các nhà thầu.
- Các tài liệu chứng minh điều kiện năng lực của các nhà thầu theo quy định.
Các hồ sơ, tài liệu khác có liên quan trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng.
*Hồ sơ khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình:
- Nhiệm vụ khảo sát, phương án kỹ thuật khảo sát, báo cáo khảo sát xây dựng công trình.
- Văn bản thông báo chấp thuận nghiệm thu kết quả khảo sát xây dựng.
- Kết quả thẩm tra, thẩm định thiết kế xây dựng; quyết định phê duyệt thiết kế xây dựng công trình kèm theo: hồ sơ thiết kế xây dựng công trình đã được phê duyệt (có danh mục bản vẽ kèm theo); chỉ dẫn kỹ thuật.
- Văn bản thông báo chấp thuận nghiệm thu thiết kế xây dựng công trình.
*Hồ sơ quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình:
- Danh mục các thay đổi thiết kế trong quá trình thi công xây dựng công trình và các văn bản thẩm định, phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
- Bản vẽ hoàn công công trình xây dựng.
- Các kế hoạch, biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng thi công xây dựng công trình.
- Các chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nhãn mác hàng hóa, tài liệu công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa; chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của cơ quan chuyên ngành; chứng nhận hợp chuẩn (nếu có) theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.
- Các biên bản nghiệm thu công việc xây dựng, nghiệm thu bộ phận hoặc giai đoạn công trình (nếu có) trong quá trình thi công xây dựng.
- Hồ sơ quản lý chất lượng của thiết bị lắp đặt vào công trình.
- Văn bản thỏa thuận, chấp thuận, xác nhận của các tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có) về: An toàn phòng cháy, chữa cháy; An toàn môi trường; An toàn lao động, an toàn vận hành hệ thống thiết bị công trình, thiết bị công nghệ;
- Biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng (Biên bản hoàn công xây dựng).
Bản vẽ hoàn công công trình xây dựng
- Trường hợp các kích thước, thông số thực tế của hạng mục công trình, công trình xây dựng không vượt quá sai số cho phép so với kích thước, thông số thiết kế thì bản vẽ thi công được chụp (photocopy) lại và được các bên liên quan đóng dấu, ký xác nhận lên bản vẽ để làm bản vẽ hoàn công.
Nếu các kích thước, thông số thực tế thi công có thay đổi so với kích thước, thông số của thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt thì cho phép nhà thầu thi công xây dựng ghi lại các trị số kích thước, thông số thực tế trong ngoặc đơn bên cạnh hoặc bên dưới các trị số kích thước, thông số cũ trong tờ bản vẽ này;
- Trong trường hợp cần thiết, nhà thầu thi công xây dựng có thể vẽ lại bản vẽ hoàn công mới, có khung tên bản vẽ hoàn công tương tự như mẫu dấu bản vẽ hoàn công theo quy định;
- Đối với các bộ phận công trình bị che khuất phải được lập bản vẽ hoàn công hoặc được đo đạc xác định kích thước, thông số thực tế trước khi tiến hành công việc tiếp theo;
- Trường hợp nhà thầu liên danh thì từng thành viên trong liên danh có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công phần việc do mình thực hiện, không được ủy quyền cho thành viên khác trong liên danh thực hiện.
Biên bản hoàn công xây dựng
Mẫu báo cáo hoàn thành thi công xây dựng hạng mục công trình, công trình xây dựng Ban hành kèm theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ như sau:
……. (1) ……. ——- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: …….…… | ……., ngày……. tháng……. năm……… |
BÁO CÁO HOÀN THÀNH THI CÔNG XÂY DỰNG HẠNG MỤC CÔNG TRÌNH, CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Kính gửi: ………………….(2)…………………………….
…….. (1) ………… báo cáo kết quả nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng hạng mục công trình, công trình xây dựng với các nội dung sau:
- Tên hạng mục công trình, công trình xây dựng …..(3)…… thuộc dự án………
- Địa điểm xây dựng: ……………………………………………………………………..
- Tên và số điện thoại liên lạc của cá nhân phụ trách trực tiếp: ……………………….
- Quy mô hạng mục công trình, công trình xây dựng: (nêu tóm tắt về các thông số kỹ thuật chủ yếu của công trình).
- Danh sách các nhà thầu (tổng thầu xây dựng, nhà thầu chính: khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng).
- Ngày khởi công và ngày hoàn thành (dự kiến).
- Khối lượng của các loại công việc xây dựng chủ yếu đã được thực hiện.
- Đánh giá về chất lượng hạng mục công trình, công trình xây dựng so với yêu cầu của thiết kế.
- Báo cáo về các điều kiện để đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng.
- Kèm theo báo cáo là danh mục hồ sơ hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng.
Chủ đầu tư cam kết đã tổ chức thi công xây dựng theo đúng hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt, giấy phép xây dựng (hoặc căn cứ miễn phép theo quy định của pháp luật); tập hợp hồ sơ hoàn thành công trình đầy đủ và tổ chức nghiệm thu hạng mục công trình, công trình xây dựng theo đúng quy định của pháp luật. Đề nghị ….(2)….tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu hạng mục công trình, công trình xây dựng theo thẩm quyền.
Nơi nhận: – Như trên; – Lưu:… |
NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA CHỦ ĐẦU TƯ (Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ và đóng dấu pháp nhân) |
Ghi chú:
(1) Tên của chủ đầu tư.
(2) Cơ quan chuyên môn về xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư theo thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định này.
(3) Tên hạng mục công trình, công trình xây dựng hoặc phần công trình trong trường hợp đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu từng phần công trình.
9 loại công trình được miễn giấy phép xây dựng
Hiện nay theo quy định tại khoản 30 Điều 1 Luật xây dựng năm 2020 các trường hợp sau được phép miễn hoàn công xây dựng như sau:
- Công trình bí mật nhà nước; công trình xây dựng khẩn cấp;
- Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, VKSNDTC, TANDTC, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị – xã hội, Chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư;
- Công trình xây dựng tạm theo quy định tại Điều 131 của Luật xây dựng;
- Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về bảo vệ môi trường và an toàn phòng, chống cháy, nổ;
- Công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định của Chính phủ;
- Công trình xây dựng trên địa bàn hai tỉnh trở lên, công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật xây dựng;
- Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 7 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa.
Quy trình hoàn công công trình xây dựng
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Chủ đầu tư tiến hành thu thập, tập hợp một bộ hồ sơ hợp lệ bao gồm toàn bộ các tài liệu nêu trên để nộp cho cơ quan có thẩm quyền.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền
- Đối với từng loại công trình khác nhau thì địa điểm nộp hồ sơ thủ tục hoàn công công trình xây dựng cũng khác nhau, cụ thể:
- Đối với những công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp I, công trình tôn giáo, di tích lịch sử, miếu đình, tượng đài, quảng cáo, tranh hoành tráng, công trình trên các tuyến, trục đường chính thành phố do Ủy ban thành phố quy định sẽ nộp hồ sơ tại Sở Xây dựng;
- Đối với nhà ở riêng lẻ của người dân và các công trình xây dựng khác thuộc địa giới hành chính quận, huyện sẽ nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân quận, huyện;
- Đối với những trường hợp xây dựng mới, công trình xây dựng tạm, sửa chữa cải tạo mà theo quy định phải xin giấy phép xây dựng trên phạm vi ranh giới khu đô thị, chế xuất, công nghiệp đó sẽ nộp hồ sơ tại Ban quản lý đầu tư và xây dựng các khu đô thị mới, khu công nghiệp, chế xuất, khu công nghệ cao;
- Đối với nhà ở riêng lẻ ở điểm khu dân cư nông thôn đã có quy hoạch xây dựng thuộc địa giới hành chính xã sẽ nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã.
Bước 3: Kiểm tra, giải quyết và trả kết quả
Sau khi tiếp nhận hồ sơ hoàn công công trình xây dựng, cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra, đánh giá hồ sơ xem đã hợp lệ hay chưa và thực hiện việc đối chứng với hiện trạng công trình xây dựng thực tế so với hồ sơ hoàn công công trình xây dựng mà chủ đầu tư đã nộp.
Kết thúc quá trình thẩm định, kiểm tra, đánh giá hồ sơ hoàn công công trình xây dựng, nếu hồ sơ đạt yêu cầu và tuân theo các điều kiện trước khi công trình được đưa vào sử dụng thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ký quyết định chấp thuận hoàn công công trình xây dựng cho chủ đầu tư.
* Thời gian hoàn công công trình xây dựng:
Hiện nay, các văn bản pháp luật như Luật xây dựng năm 2014 sửa đổi năm 2020, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP,… chưa có văn bản nào quy định rõ ràng về Thời gian hoàn công công trình xây dựng mất bao lâu. Trên thực tế tùy vào điều kiện cũng như hoàn cảnh thực tế mà thời gian hoàn công có thể được rút ngắn hoặc kéo dài.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ hoàn công, bộ phận tiếp nhận sẽ tiến hành sắp xếp, đo đạc thực trạng công trình nhà xưởng trên thực tế, bước này mất khoảng 7 ngày để hoàn tất.
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Thời gian xem xét hồ sơ hoàn công này có thể kéo dài khoảng 3 tuần tới 1 tháng tùy vào từng địa phương. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thiếu giấy tờ hồ sơ hoặc thông tin chưa chính xác thì cơ quan giải quyết có công văn nêu rõ lý do trong thời hạn 15 ngày.
Hồ sơ hoàn công nhà xưởng sau thẩm định được chuyển qua cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư. Cơ quan thuế sẽ gửi thông báo cho chủ đầu tư về các nghĩa vụ tài chính cần thực hiện. Thời gian hoàn thành thủ tục này trong khoảng từ 7-10 ngày tùy địa phương;
Sau khi nộp thuế và nhận biên lai, chủ đầu tư nộp biên lai cho đơn vị giải quyết hoàn công và chờ lấy kết quả. Như vậy thủ tục hoàn công nhà xưởng có thể kéo dài trong khoảng 45 ngày. Tuy nhiên, thời gian thực hiện như thế nào sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.
* Chi phí hoàn công công trình xây dựng:
Lệ phí trước bạ;
Thuế xây dựng cơ bản;
Các chi phí khác như: lập bản vẽ hoàn công công trình xây dựng, phí thẩm định hiện trạng… Các khoản chi phí phát sinh trong quá trình hoàn công cũng sẽ tùy thuộc yêu cầu của chủ sở hữu mà không cố định.
Qua bài viết trên đây, chúng tôi đã cung cấp cho các bạn những kiến thức pháp lý cơ bản nhất về thủ tục hoàn công công trình xây dựng, hy vọng sẽ mang lại cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích. Trong quá trình tự thực hiện thủ tục hoàn công công trình xây dựng, chủ đầu tư nên chuẩn bị hồ sơ hoàn công từ ngay khi bắt đầu xây dựng công trình, tránh việc tài liệu bị thất lạc sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn công sau này.
Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về thủ tục hoàn công công trình xây dựng nhà xưởng, thủ tục hoàn công nhà xưởng trong khu công nghiệp hay những vấn đề khác quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi. Với đội ngũ luật sư dày dặn kinh nghiệm nhiều năm tư vấn thực hiện thủ tục hoàn công công trình xây dựng, Vạn Phúc Luật chắc chắn sẽ khiến quý khách hàng hài lòng.
Đọc thêm: