Một vấn đề hiện nay đang được các doanh nghiệp tại Bình Dương hết sức quan tâm chính là doanh nghiệp có cần thay đổi các giấy tờ pháp lý khi thị xã Bến Cát chính thức lên thành phố hay không? Trong bài viết hôm nay, Vạn Phúc Lộc sẽ tổng hợp 7 Điều doanh nghiệp cần làm khi thay đổi địa giới hành chính – Bến Cát lên thành phố.
1. Điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp – Điều doanh nghiệp cần làm khi thay đổi địa giới hành chính
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ thể hiện các nội dung:
- Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp;
- Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
- Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh; đối với chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
- Vốn điều lệ đối với công ty, vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 30 Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp phải đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi có sự thay đổi các nội dung trên. Theo đó, khi thị xã Bến Cát lên thành phố, một số xã của Bến Cát cũng lên phường sẽ dẫn đến thay đổi thông tin về địa chỉ.
Chính vì vậy, doanh nghiệp phải gửi thông báo đề nghị cập nhật, bổ sung thông tin đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính (theo điểm a khoản 2 Điều 63 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).
2. Điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư – Điều doanh nghiệp cần làm khi thay đổi địa giới hành chính
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là một trong những giấy tờ gắn liền với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, thông tin về địa điểm thực hiện dự án, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật, nhà đầu tư và tổ chức kinh tế được thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Vì đây là loại giấy tờ được quản lý trên bản giấy (cổng thông tin sẽ không tự cập nhật thông tin), do đó, khi có bất kỳ điều chỉnh nào trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì doanh nghiệp cần điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để đảm bảo thông tin được chính xác.
3. Điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý chứng minh quyền tài sản của doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, trên trang 1 và trang 2 của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ thể hiện rõ thông tin về địa chỉ thửa đất và địa chỉ thường trú của chủ sử dụng đất.
Chính vì vậy, khi địa giới hành chính có sự thay đổi thì đồng nghĩa với việc các thông tin về địa chỉ trên Giấy chứng nhận cũng có sự thay đổi.
Tuy nhiên, theo điểm g, khoản 1, Điều 17 của Thông tư 23/2014/TT-BTNMT (được sửa đổi bổ sung bởi khoản 14, Điều 6 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT) thì doanh nghiệp lại không bắt buộc phải cập nhật Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc xác nhận địa chỉ mới chỉ được thực hiện khi doanh nghiệp có nhu cầu.
4. Khắc lại con dấu mới
Con dấu được xem là chữ ký của doanh nghiệp và là phương tiện sử dụng để đóng trên văn bản, giấy tờ của doanh nghiệp. Trên con dấu sẽ thể hiện tên doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp và địa chỉ doanh nghiệp. Do đó, nếu Bến Cát lên thành phố thì địa chỉ trên con dấu sẽ không còn chính xác.
Trong một số trường hợp, địa chỉ trên con dấu chỉ thể hiện tỉnh Bình Dương thì doanh nghiệp không cần khắc lại con dấu mới. Tuy nhiên, nếu con dấu thể hiện thị xã Bến Cát thì doanh nghiệp có thể khắc lại con dấu mới với địa chỉ là thành phố Bến Cát để đảm bảo thông tin con dấu được chính xác.
5. Thay đổi hoá đơn
Trên hoá đơn của doanh nghiệp sẽ thể hiện thông tin đầy đủ về địa chỉ của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp mong muốn điều chỉnh địa chỉ trụ sở trên hoá đơn chính xác thì doanh nghiệp có thể in địa chỉ mới trên hoá đơn và đóng dấu xác nhận ngay bên cạnh.
6. Điều chỉnh Giấy phép lao động
Người nước ngoài khi vào Việt Nam theo diện lao động thì sẽ được cấp Giấy phép lao động, trừ trường hợp miễn Giấy phép lao động. Trong đó, địa điểm làm việc là một trong những thông tin thể hiện trên Giấy phép lao động. Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, khi thay đổi địa điểm làm việc thì cần thực hiện thủ tục cấp lại Giấy phép lao động.
7. Điều chỉnh các Giấy phép con
Đối với các doanh nghiệp sở hữu Giấy phép con như Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm,… thì có thể điều chỉnh thông tin về địa chỉ trên các giấy phép này.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh này là không bắt buộc. Chính vì vậy doanh nghiệp có thể cân nhắc sao cho thuận tiện nhất.
Trên đây, Vạn Phúc Lộc vừa chia sẻ 7 Điều doanh nghiệp cần làm khi thay đổi địa giới hành chính – Bến Cát lên thành phố. Chi tiết các thủ tục được Vạn Phúc Lộc phân tích cụ thể trong các bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi Vạn Phúc Lộc để biết thêm thông tin chi tiết nhé!